Ngành du lịch đang trải qua giai đoạn khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Tuy nhiên, theo đánh giá của các chuyên gia về du lịch thì đây cũng chính là thời điểm để ngành du lịch Việt Nam định hình lại, tạo ra những hướng đi vững chắc để phát triển bền vững. Trong đó, liên kết là một trong những giải pháp để cùng nhau vượt qua những khó khăn hiện tại.
Phó thủ tướng Vũ Đức Đam, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân và lãnh đạo tỉnh tham quan gian hàng sản phẩm du lịch của Đồng Nai tại Hội nghị liên kết phát triển du lịch Đông Nam bộ. Ảnh: N.Liên |
Liên kết phát triển du lịch Đông Nam bộ (ĐNB) giữa 6 tỉnh, thành: Đồng Nai, Bình Dương, Bình Phước, Tây Ninh, Bà Rịa - Vũng Tàu và TP.HCM là cơ hội để ngành du lịch của vùng vượt qua khó khăn sau dịch Covid-19, đồng thời phát huy tiềm năng, lợi thế về tài nguyên du lịch đối với vùng có vị trí chiến lược trong phát triển kinh tế của cả nước. Đây cũng là dịp để các doanh nghiệp du lịch, lữ hành, nhà quản lý du lịch, phát triển sản phẩm du lịch, quảng bá xúc tiến du lịch, phát triển nguồn nhân lực du lịch và kêu gọi đầu tư phát triển du lịch.
* Để bứt phá, cần “nắm tay” nhau
Thỏa thuận liên kết phát triển du lịch vùng ĐNB giai đoạn 2020-2025 và kế hoạch phối hợp triển khai các hoạt động liên kết hợp tác phát triển du lịch vùng ĐNB giai đoạn 2020-2021 sẽ là bước tiến nhằm đẩy mạnh kích cầu du lịch nội địa, góp phần phục hồi ngành du lịch sau dịch Covid-19. Qua đó tăng cường liên kết giữa các địa phương trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, tăng tỷ lệ khách du lịch và đầu tư đến các địa phương.
Theo đánh giá chung của lãnh đạo các địa phương trong vùng, liên kết phát triển du lịch sẽ giúp các địa phương khai thác hiệu quả hơn các giá trị tài nguyên du lịch tự nhiên và đặc trưng của vùng như: núi, biển, sông, hồ, rừng, hệ sinh thái đa dạng sinh học... cùng hệ thống di tích văn hóa, lịch sử, làng nghề, ẩm thực phong phú và phát huy được lợi thế cửa ngõ quốc tế, cơ sở hạ tầng du lịch để tăng tỷ lệ khách du lịch, tăng chi tiêu và thời gian lưu trú của du khách, góp phần phục hồi ngành du lịch và đóng góp hiệu quả vào sự phát triển kinh tế - xã hội của cả vùng nói riêng, cả nước nói chung.
Ông Lê Ngọc Khánh, Phó chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho rằng, việc liên kết giữa các địa phương trong vùng là cần thiết để tăng sức cạnh tranh, đa dạng hóa các sản phẩm, tuyến du lịch và các địa phương có cơ hội thu hút đầu tư cao… đang là vấn đề cấp bách mà các tỉnh ĐNB phải cùng nhau chung tay thực hiện. Trên cơ sở đó, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu sẽ tăng cường liên kết với các tỉnh, thành để thúc đẩy sự phát triển du lịch trong vùng được bền vững, khẳng định thương hiệu trong khu vực và quốc tế.
Là tỉnh có sự phát triển mạnh mẽ về công nghiệp, dịch vụ trong những năm gần đây, bên cạnh sự phát triển kinh tế, tỉnh Bình Dương cũng có những chính sách đầu tư lớn cho du lịch. Theo ông Nguyễn Thanh Trúc, Phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương, trong năm 2019, Bình Dương đón trên 5,1 triệu lượt khách, tổng doanh thu đạt 1.440 tỷ đồng. Bình Dương có khá nhiều điểm du lịch nổi tiếng như: chùa bà Thiên Hậu, vườn trái cây Lái Thiêu, Khu du lịch Đại Nam...
Để tạo điều kiện cho sự hợp tác phát triển du lịch chung của vùng, tỉnh Bình Dương đã đưa ra các giải pháp thiết thực về tạo môi trường đầu tư khai thác các thế mạnh du lịch; hỗ trợ, chia sẻ thông tin, xây dựng các tuyến du lịch tiêu biểu, chất lượng để cung cấp ra thị trường; đồng thời có những chính sách thu hút đầu tư, liên kết, nhằm góp phần vào sự phát triển chung cho du lịch ĐNB…
* Tăng sức cạnh tranh cho du lịch nội địa
Trong năm 2019, vùng ĐNB đã đón gần 10,7 triệu lượt khách quốc tế và hàng chục triệu lượt khách trong nước. Tuy nhiên, theo các chuyên gia về lĩnh vực du lịch, ĐNB vẫn có khả năng thu hút nhiều hơn nữa. Để làm được điều đó, các địa phương cần có sự liên kết, tạo ra các sản phẩm du lịch chất lượng, tạo lập không gian du lịch thống nhất để cùng phát triển, tăng sức cạnh tranh cho du lịch nội địa trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế. Đó cũng là xu hướng chung để ngành du lịch vùng ĐNB tập trung khai thác và phát huy các tiềm năng, thế mạnh của từng địa phương góp phần thúc đẩy phát triển du lịch bền vững. Theo đó, vấn đề liên kết để xây dựng và phát triển những sản phẩm du lịch đặc trưng phong phú, có chất lượng cao, khẳng định thương hiệu có sức hấp dẫn khách du lịch, thu hút các nhà đầu tư; đồng thời, thúc đẩy sự tăng trưởng và khả năng cạnh tranh của ngành du lịch ĐNB nói riêng và du lịch Việt Nam nói chung.
Muốn thực hiện được các nội dung trên, một số nhà quản lý cũng như doanh nghiệp du lịch cho rằng, các địa phương phải chú trọng một số yếu tố như bảo vệ môi trường sinh thái, giữ gìn, bảo vệ, phát huy giá trị truyền thống, phong tục tập quán của các địa phương. Đồng thời liên kết sẽ thúc đẩy mỗi địa phương, mỗi doanh nghiệp, người dân phải tự nâng cao văn hóa, thái độ ứng xử, ý thức trách nhiệm của cộng đồng trong phát triển du lịch để đa dạng hóa sản phẩm du lịch, tạo sản phẩm du lịch, chương trình du lịch, tuyến du lịch liên vùng hoàn chỉnh và quảng bá chung trong và ngoài nước. Xây dựng chuỗi du lịch thân thiện, an toàn với sản phẩm du lịch đặc trưng của từng địa phương.
Ông Võ Anh Tài, Phó tổng giám đốc Tổng công ty Du lịch Sài Gòn (SaiGonTourist Group) cho biết, ĐNB là thị trường lớn, nhiều tiềm năng, triển vọng để liên kết, phát triển du lịch. Vừa qua, SaigonTourist Group cùng với Đoàn doanh nghiệp du lịch TP.HCM đã tham gia khảo sát các điểm đến, các dịch vụ của 5 tỉnh còn lại của ĐNB và làm việc với các địa phương về chính sách kích cầu du lịch, hưởng ứng kế hoạch Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam. Sau khi khảo sát, các doanh nghiệp đã xây dựng 3 tuyến du lịch, tham quan với các địa phương. “SaiGonTourist Group luôn xác định ĐNB là thị trường lớn, có các tuyến điểm hấp dẫn, hằng năm SaiGonTourist Group đóng góp về cho du lịch các địa phương hàng trăm ngàn lượt khách, doanh thu trực tiếp trên 500 tỷ đồng.
Chỉ tiêu hằng năm đưa khách quốc tế đến ĐNB tăng 15-20%, với thế mạnh là các tour du lịch sinh thái, tâm linh, cộng đồng… Thời gian tới, SaigonTourist Group tiếp tục quan tâm đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất, chất lượng dịch vụ các cơ sở khách sạn, khu nghỉ dưỡng, chi nhánh lữ hành tại khu vực ĐNB. Đồng thời, nghiên cứu các dự án mới và hỗ trợ kêu gọi các nhà đầu tư chiến lược đầu tư, khai thác các sản phẩm, dịch vụ du lịch, trung tâm mua sắm cao cấp tại khu vực ĐNB. Bên cạnh đó, ông Võ Anh Tài cũng mong muốn nhận được sự hỗ trợ, tạo điều kiện từ các chính quyền địa phương trong vùng ĐNB trong quá trình thực hiện đầu tư, phát triển hệ thống kinh doanh du lịch.
Ngọc Liên